Mang thai tuần thứ 37: Dấu hiệu sắp sinh và lời khuyên cho mẹ

Mang thai tuần thứ 37 là những ngày tháng cuối cùng của thai kỳ. Cho dù không có bất thường nào xảy ra nhưng mẹ bầu có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào từ tuần thai này. Thời điểm này mẹ bầu rất nhạy cảm với các cơn co thắt và nên được bác sĩ kiểm tra theo từng tuần. Hãy trang bị cho mình kiến thức hữu ích về sự phát triển của bé ở tuần thứ 37; các thay đổi của mẹ và nắm hết các dấu hiệu chuyển dạ để chuẩn bị đón bé yêu. Blog mẹ và bé sẽ giúp bạn tổng hợp các kiến thức cho mẹ bầu mang thai 37 tuần ngay trong bài viết này, hãy cùng theo dõi nhé.

Sự phát triển của thai nhi 37 tuần

Cân nặng thai nhi 37 tuần là bao nhiêu? Kích thước thai nhi 37 tuần tuổi như thế nào là chuẩn? Có thể nói, thai nhi 37 tuần đã phát triển khá hoàn chỉnh. Em bé ở tuần này có trọng lượng khoảng 2,8 – 3kg, nhiều trường hợp có thể hơn hoặc kém một chút. Thai nhi 37 tuần đã có chiều dài khoảng 50 -52 cm. Ở thời điểm này, em bé của bạn sẽ không tăng nhiều trọng lượng như những thời gian trước nữa. Mỗi ngày, cân nặng của bé sẽ tăng tầm 14 gram và tập trung hơn cho việc dành năng lượng cho khoảnh khắc chào đời.

Mang thai tuần thứ 37: Dấu hiệu sắp sinh và lời khuyên cho mẹ

Bảng cân nặng thai nhi 37 tuần cho phép mẹ đánh giá sự phát triển của con ở thời điểm này. Tuy nhiên, nếu bé vẫn chưa đạt mức trọng lượng này, mẹ hãy bổ sung thêm nhiều dinh dưỡng để bé tiếp tục tăng cân cho đến khi chào đời.

Chi tiết về sự phát triển của thai nhi 37 tuần

Ngày chuyển dạ của thai nhi đang đến rất gần, chỉ còn gần 3 tuần nữa. Từ tuần thai này bé có thể chào đời bất cứ khi nào. Dưới đây là chi tiết sự phát triển của thai nhi 23 tuần.

  • Thai nhi đã có thể quay đầu 

Nhiều mẹ thắc mắc thai nhi 37 tuần đã quay đầu hay chưa? Ở tuần thai thứ 37 này, hầu hết các em bé đã di chuyển vào vị trí trong xương chậu của mẹ và gây ra hiện tượng sa bụng. Em bé đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày chào đời sắp tới. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp thai nhi vẫn chưa quay đầu trong thời gian này. Thông qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ sẽ thông báo tình trạng thai nhi với mẹ và đưa ra phương hướng để giải quyết vấn đề này.

  • Hệ miễn dịch của bé đang phát triển và hoàn thiện

Thai nhi tuần thứ 37 có hệ miễn dịch tiếp tục phát triển và hoàn thiện cho đến sau khi được sinh ra. Do đó, nếu mẹ dự định sinh mổ, bác sĩ sản khoa sẽ không thực hiện ca mổ lấy thai trước tuần 39 trừ trường hợp bất thường.

  • Sự phát triển của phổi và não

Mặc dù em bé ở thời điểm này đã phát triển như một đứa trẻ sơ sinh bình thường; nhưng thực tế bé chưa hoàn toàn sẵn sàng để thích nghi với thế giới ngoài bụng mẹ. Phổi và não của bé vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện hoàn chỉnh. Trong 2 tuần tiếp theo, phổi và não của bé mới thực sự trưởng thành.

Mang thai tuần thứ 37: Dấu hiệu sắp sinh và lời khuyên cho mẹ

  • Bé biết cầm nắm và mút tay

Các ngón tay của bé đã phát triển và kéo léo hơn. Bé đã có thể cầm nắm các bộ phận nhỏ trên cơ thể mình như mũi, ngón chân. Nhiều trường hợp bé sẽ mút tay để chuẩn bị cho việc bú sữa mẹ khi được sinh ra.

  • Tóc của thai nhi tuần thứ 37

Thai nhi tuần thứ 37 đã có tóc. Tóc bé có thể ngắn hoặc rất ít, tuy nhiên một số trẻ sơ sinh lại có mái tóc khá dày với chiều dài từ 1- 4cm.

  • Những cú đạp liên tục

Thai nhi 37 tuần đã phát triển cơ bản hoàn thiện về kích thước, do đó em bé đã nằm chật kín trong bụng mẹ và không thể nhào lộn hay quay cựa nhiều. Tuy nhiên, bé vẫn sẽ thực hiện các cú đá hoặc cú đạp. Mẹ hãy theo dõi các chuyển động thai của bé và có hướng xử lý cần thiết nếu bé quá yên ắng ở giai đoạn này.

Kiến thức cho mẹ bầu mang thai tuần thứ 37

Bước vào tuần thứ 37, thai nhi đã có độ trưởng thành và được gọi là thai đủ tháng. Thời điểm này mẹ cũng cần có sự chuẩn bị cho ngày vượt cạn. Hãy tranh thủ chuẩn bị thêm cho mình một chút kiến thức để chăm sóc bé yêu, chăm sóc bản thân ngay từ bây giờ bạn nhé.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ mang thai tuần thứ 37

  • Sưng ở một số vị trí trên cơ thể: Vào những tuần cuối của thai kỳ, việc sưng ở một số bộ phận trên cơ thể thường gặp ở mẹ bầu. Mẹ bầu thương bị sưng ở mắt cá chân – đây là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra quá mức ở vị trí như chân, lòng bàn tay, mặt hay mắt thì bạn hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng đau đầu, thay đổi thị lực, nhạy cảm với ánh sáng; đây là dấu hiệu nghiêm trọng của tiền sản giật.
  • Các đốm máu xuất hiện: Khi mang thai 37 tuần, cổ tử cung của mẹ bầu đã dễ bị kích thích. Do đó, các đốm máu xuất hiện là điều bình thường. Hãy gặp ngay bác sĩ nếu bạn thấy nhiều máu vì đây là biểu hiện của việc nhau thai có vấn đề.
  • Các vết rạn da: Vết rạn da xuất hiện ở trên bụng, hông, đùi và cánh tay do làn da bị căng quá mức.  Hãy sử dụng kem chống rạn da và uống nhiều nước để cải thiện tình trạng này.
  • Khó ngủ: Hầu hết các phụ nữ mang thai ở những tuần cuối của thai kỳ đều gặp phải tình trạng khó ngủ. Trọng lượng thai lớn khiến mẹ khó chịu hoặc sự lo lắng, bồn chồn vì sắp được đón bé yêu là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Mẹ hãy cải thiện bằng cách tập Yoga, thiền và thể dục nhẹ nhàng.
  • Các cơn co thắt Braxton Hicks: Thai 37 tuần gò cứng bụng là biểu hiện của cơn gò chuyển dạ giả Braxton Hicks. Đây được xem là sự tập luyện cho quá trình chuyển dạ thật sắp tới của mẹ bầu.

Dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 mẹ bầu nên nắm

Thông thường mẹ bầu mang thai sẽ chuyển dạ từ tuần thứ 38 cho đến 40. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp thai phụ chuyển dạ ở tuần thứ 37. Đây là hiện tượng chuyển dạ sớm thường gặp ở một số mẹ bầu mang thai lần đầu, song thai. Dưới đây là một số dấu hiệu chuyển dạ tuần 37 mẹ nên nắm chắc.

  • Sa bụng: Bụng bầu có dấu hiệu sa xuống báo hiệu đã gần đến ngày bạn được gặp mặt bé yêu. Mẹ có thể cảm nhận được thai nhi trong bụng mình đang di chuyển xuống khu vực xương chậu và muốn ra ngoài.
  • Cổ tử cung mở: Cổ tử cung mở là dấu hiệu được phát hiện khi thăm khám. Trước khi cổ tử cung mở sẽ có hiện tượng máu báo hồng. Do đó, phụ nữ mang thai tuần thứ 37 cần chú ý để đến viện sớm kiểm tra.
  • Mệt mỏi: Cho đến ngày gần sinh, thai phụ sẽ càng cảm thấy mệt mỏi và khó chịu hơn so với bình thường.
  • Xuất hiện cơn co thắt: Các cơn gò chuyển dạ là dấu hiệu rõ ràng nhất của dấu hiệu chuyển dạ tuần 37. Khác với con gò Braxton Hicks; các cơn gò chuyển dạ sẽ rất mạnh mẽ và rõ ràng. mẹ sẽ cảm thấy rất đau, rất khó chịu. Các cơn đau sẽ không thuyên giảm khi mẹ thay đổi tư thế ngồi hay nằm.

Thai 37 tuần độ trưởng thành 3 là gì?

Độ trưởng thành của nhau thai là thuật ngữ dùng để chỉ sự thay đổi xảy ra ở nhau thai trong quá trình phát triển hay còn được xem là quá trình canxi hóa của nhau thai. Thông thường, thai nhi từ tuần thứ 12 trở đi thì nhau thai mới có sự thay đổi rõ rệt. Độ trưởng thành của nhau thai chia làm 4 cấp độ ( theo theo Tạp chí Y học chứng cứ JEBMH, 2016):

  • Độ 0: Tuổi thai dưới 28 tuần. Màng ối thẳng, mịn và không bị rạn nứt. Chất nhau thai tập trung ở một vùng.
  • Độ I: Tuổi thai trung bình trưởng thành ở độ I là 31 tuần. Màng ối không bị rạn nứt, được xác định rõ ràng, có sự rung động. Chất nhau thai được phân tán ngẫu nhiên.
  • Độ II: Tuổi thai trung bình trưởng thành ở độ II là 36 tuần.. Màng ối rạn nứt nhiều và dần hoàn chỉnh. Siêu âm thấy: hồi âm phân tán ngẫu nhiên.
  • Độ III: Tuổi thai trung bình trưởng thành ở độ III là 38 tuần. Màng ối hoàn chỉnh. Chất nhau thai được phân chia ở các khoang. Trên siêu âm sẽ thấy: Các vách ngăn của nhau thai tích tụ canxi bao quanh các thùy, có các khu vực hồi âm ở trung tâm (hình).

Mang thai tuần thứ 37: Dấu hiệu sắp sinh và lời khuyên cho mẹ

Nếu như thai 37 tuần trưởng thành độ 3 và kết hợp với chỉ số đường kính lưỡng đỉnh và khối lượng thai nhi là 2500g thì nên xem xét đến việc nhau thai trưởng thành sớm; cảnh giác xảy ra khả năng thai nhi phát triển chậm bên trong tử cung. Khi nhau thai trưởng thành đến độ 3, cần kiểm tra bất kỳ lúc nào để ngăn ngừa nhau thai bị lão hóa gây nguy hiểm cho thai nhi. Nếu thai nhi đã trưởng thành cần phải sinh em bé, tránh làm cho thai bị thiếu oxy, suy sinh dưỡng, phát triển chậm, suy thai; hay thậm chí là thai chết lưu, chết khi sinh, ngạt thở khi sinh. Hậu quả nghiêm trọng hơn như tế bào não không phát triển khiến trẻ bị thiểu năng trí tuệ.

Sinh con ở tuần 37 có sao không?

Thai nhi 37 tuần có thể chào đời bất cứ khi nào. Nhiều trường hợp mẹ sinh con ngay ở tuần thai thứ 37 vì lý do sức khỏe, tình trạng bất khả kháng. Thế nhưng, việc sinh con ở tuần thứ 37 được gọi là sinh sớm. Em bé cần khoảng 2 tuần nữa để phát triển hoàn thiện toàn bộ. Các bác sĩ luôn khuyến cáo mẹ bầu chỉ nên sinh ở tuần 39 trừ những trường hợp bất khả kháng.

Chăm sóc mẹ bầu mang thai tuần thứ 37

Mang thai tuần thứ 37: Dấu hiệu sắp sinh và lời khuyên cho mẹ

Mẹ bầu mang thai tuần thứ 37 vẫn nên duy trì các thói quen sinh hoạt tốt và duy trì dinh dưỡng đầy đủ. Tuần thai thứ 37 rất gần với thời điểm sinh, mọi sinh hoạt đều cần hết sức cẩn thận. Dưới đây là một vài lưu ý để chăm sóc cho mẹ bầu ở tuần thứ 37 của thai kỳ:

  • Theo dõi sức khỏe thường xuyên và chặt chẽ. Đếm thai máy để biết được những bất thường và đến bệnh viện kịp thời.
  • Kiểm tra ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như chóng mặt, đau đầu, rỉ nước ối, dịch tiết âm đạo lẫn máu.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Hạn chế căng thẳng, làm việc nặng hay quan hệ tình dục mạnh.
  • Chuẩn bị sẵn đồ sơ sinh, túi đồ sơ sinh, túi đồ đi sinh và vật dụng cần thiết khác.
  • Nắm chắc các dấu hiệu chuyển dạ và đến viện ngay nếu dấu hiệu này xuất hiện.
  • Bổ sung nước thường xuyên để giảm bớt tình trạng phù nề.

>>> Xem thêm: Nếp Sinh Hoạt Theo E.A.S.Y – Mẹ Khoẻ Con Ngoan

Trên đây là những thông tin hữu ích về giai đoạn mang thai tuần thứ 37 mà Blog mẹ và bé muốn chia sẻ đến các mẹ bầu. Chúc mẹ bầu và em bé trong bụng luôn khỏe mạnh trong những tuần thai kế tiếp.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Blog Mẹ Và Bé
Logo
Enable registration in settings - general